Đôi tai không chỉ tiếp nhận thông tin mà các dấu hiệu như ù tai, đau ngứa, ráy tai đổi màu còn cảnh báo mất thính lực, nhiễm trùng, tổn thương màng nhĩ.
Tai là cơ quan phát hiện, phân tích âm thanh và đảm nhiệm vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể. Đau, ngứa tai, giảm khả năng nghe thường xảy ra tạm thời, có thể tự khỏi nhưng cũng có thể kéo dài do nhiều bệnh lý. Dưới đây là triệu chứng bất thường thường gặp ở tai.
Ù tai
Ù tai là triệu chứng rối loạn trong hệ thống thính giác. Các nguyên nhân như nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh trong tai, viêm mạch máu, khối u não, bệnh Ménière, huyết áp cao, thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ, tác dụng phụ của thuốc. Ráy tai đẩy lên màng nhĩ cũng có thể gây ù tai.
Thông thường, ù tai liên quan đến một đợt tiếp xúc với âm thanh, nhiễm trùng hoặc kích ứng màng nhĩ nên có thể tự biến mất. Tập thể dục thường xuyên, thực hành bài tập thư giãn như thiền, yoga và sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng ban đêm để bớt ù tai.
Ngứa tai
Nhiễm nấm, kích ứng tai thường gây ngứa. Nếu ngứa nhiều và lớp da chết dày là dấu hiệu của bệnh vẩy nến. Tình trạng này xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào da. Vì khu vực da tai rất mỏng manh nên dễ dẫn đến tích tụ da chết ở trong hoặc ngoài tai, ảnh hưởng đến thính lực. Người bệnh có thể thoa các loại kem, thuốc mỡ, dưỡng chất tương tự vitamin D hoặc corticosteroid.

Đau tai có thể do nhiễm trùng. Ảnh: Freepik
Ráy tai ướt, dính hoặc đổi màu
Các tuyến trong ống tai sản xuất ráy tai để bảo vệ vùng da bên trong tai và chống lại vi trùng. Nếu đột nhiên lượng ráy tai nhiều, đổi màu hoặc tiết dịch ướt và dính, bạn nên đến bệnh viện khám sớm vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tai nặng hoặc màng nhĩ tổn thương.
Chỉ nên dùng tăm bông vệ sinh vùng ngoài vành và vùng nông của lỗ tai. Người bị đau nhức, khó chịu hoặc đeo máy trợ thính nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được làm sạch tai an toàn.
Đau tai
Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai, nhiễm trùng họng, ráy tai, tích tụ chất lỏng, áp xe răng. Một số cơn đau tai bắt đầu đột ngột và nặng dần theo thời gian. Nếu đau tai nhẹ, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc chườm ấm lên tai. Trường hợp đau không bớt dù đã dùng thuốc, kèm sốt, nôn mửa, đau họng, chảy dịch từ tai hoặc sưng quanh tai, người bệnh nên đi khám sớm.
Tai đỏ
Tai đỏ là biểu hiện thay đổi nội tiết tố, bao gồm cả thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân do các cơn bốc hỏa thường bắt nguồn từ phần trên cơ thể và mặt. Phụ nữ có thể làm mát cơ thể khi bốc hỏa như uống nước mát, lau bằng khăn ướt, mặc trang phục thoáng nhẹ, kết hợp tập thể dục hàng ngày.
Nguyên nhân hiếm gặp là hội chứng tai đỏ cũng gây ra cảm giác nóng rát và đau nhẹ hoặc nặng, kèm đau nửa đầu, đau đầu từng cơn.
Mất thính giác ở một tai
Mất thính lực xảy ra ở một tai có thể do tích tụ chất lỏng hoặc ráy tai, chấn thương, nhiễm trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu khối u trên dây thần kinh thính giác nhưng ít gặp. Người bị mất thính lực đột ngột cần đến viện khám. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ chỉ định dùng thuốc, phẫu thuật hoặc đeo máy trợ thính.
Nguồn: Huyền My (Theo WebMD, Health Digest)